Khuyến khích trẻ vẽ tranh sẽ giúp não trẻ tiếp nhận và xử lý thông tin hình ảnh một cách nhanh chóng, linh hoạt.
Theo nhiều nghiên cứu, cho trẻ tiếp xúc với hội họa ngay từ nhỏ sẽ giúp con thông minhhơn. Mỹ thuật được đánh giá là môn học kích thích sự sáng tạo, để trẻ thể hiện ra bên ngoài những suy nghĩ của mình, cụ thể hóa những điều trẻ thấy được. Do đó, thường xuyên vẽ sẽ giúp trẻ nâng cao nhận thức, thị giác phát triển và tăng khả năng vận động, tư duy về hình khối, màu sắc, sự liên kết sự vật, con người, cảnh quan…
Vậy làm thế nào để trẻ duy trì niềm đam mê với hội họa?
Bồi dưỡng hứng thú ngay từ nhỏ
Trẻ 2-5 tuổi đã bắt đầu muốn biểu đạt tư duy đơn giản của mình về thế giới xung quanh. Các bé biết vẽ trước khi biết viết. Vẽ nguệch ngoạc trên giấy là thú vui tự nhiên của bất kì đứa trẻ nào. Đó thực ra chính là những bức ‘mô tả’ cảm quan về thế giới xung quanh, về những người trẻ quan tâm. Điều này ‘thực’ hơn rất nhiều so với những gì các em đã vẽ dưới sự hướng dẫn của người lớn. Mặc dù các hình vẽ ở độ tuổi này khá là khó hiểu đối với người lớn, nhưng chúng lại vô cùng sống động trong con mắt trẻ thơ. Đây là một đặc điểm mà người lớn cần chú ý tận dụng để phát triển hứng thú, tư duy và tưởng tượng sáng tạo của trẻ trong tranh vẽ.
Cha mẹ nên là những người khuyến khích con trẻ thông qua những hành động đơn giản như khen con, cầm tay con cùng vẽ những hình đơn giản như quả cam, ngôi nhà, ông mặt trời… Điều này cũng làm tăng sự gắn kết tình cảm với trẻ, giúp trẻ cởi mở hơn.
Để trẻ được tiếp xúc nhiều hơn với cuộc sống
Khi trẻ tầm 2-3 tuổi trở đi, cha mẹ nên chú ý cho trẻ ra ngoài nhiều hơn để thay đổi khung cảnh, trẻ có cơ hội quan sát thế giới xung quanh vì đây là nền tảng để hội họa phát triển, giúp trẻ nhận biết sử dụng màu sắc một cách sinh động, phát huy trí tưởng tượng non nớt để thể hiện sáng tạo nội dung tranh vẽ, qua đó mà biểu lộ suy nghĩ, tình cảm, ước mơ của mình.
Khi lớn hơn, tư duy logic cùng những kiến thức thu nhận được khiến trẻ linh hoạt hơn trong cách sử dụng màu sắc, hình khối thể hiện ý tưởng chủ đề trong bức tranhcủa mình. Trẻ sẽ sao chép lại những hình ảnh trong đời thực, kết hợp với những chi tiết sáng tạo theo ý thích. Hoàn toàn không có khuôn mẫu nào cả. Đây chính là phần tư liệu quan trọng cho sự phát triển tư duy của trẻ.
Trân trọng những tác phẩm hội họa
Bất kì đứa trẻ nào đều có niềm hứng thú đặc biệt với việc vẽ tranh. Các bé vẽ theo cảm hững của mình, dẫu động tác còn vụng về nhưng đó là những hoạt động đầu tiên thôi thúc bé chứng tỏ khả năng của mình với những người xung quanh, đặc biệt là cha mẹ, những người thân yêu nhất của trẻ.
Tất nhiên, những bức vẽ đều không thể đẹp theo những tiêu chuẩn hội họa thông thường. Nhưng trẻ luôn thấy vui vẻ phấn khích trước mỗi bức họa được hoàn thành. Cha mẹ hãy giữ lại những bức tranh đó, tập hợp thành quyển và cùng trẻ bàn luận, để nhận ra sự tiến bộ qua từng bức vẽ. Mỗi khi có khách đến chơi, cha mẹ có thể lấy tranh trẻ vẽ ra cho bạn bè xem, đánh giá, góp ý nhẹ nhàng, vui vẻ để trẻ nhận ra ưu, khuyết điểm, qua đó cũng là một cách khích lệ. Bạn có thể làm khung treo tranh của bé trên tường cho cả nhà cùng ngắm. Làm như vậy có tác dụng cổ vũ bé rất nhiều. Khi cảm nhận được sự quan tâm, hào hứng của cha mẹ, trẻ sẽ vẽ tự tin hơn, vẽ tốt hơn, sinh động hơn.
Lắng nghe con trẻ
Những người cha, người mẹ không thể căn cứ vào quan sát, nhìn nhận của người lớn để đánh giá bức tranh của trẻ là hay hay là dở. Hãy đặt mình vào vị trí của trẻ để hiểu được bức tranh muốn nói gì. Đây cũng là một cách để cha mẹ hiểu con mình hơn, phát hiện những vấn đề hay sự thay đổi trong tâm sinh lý của của trẻ. Cha mẹ nên ân cần, quan tâm, hỏi han trẻ xem vì sao trẻ lại làm như vậy, vẽ như thế có ý nghĩa gì?
Thế giới nội tâm của trẻ con luôn rất phong phú với những cách lý giải thú vị chỉ chúng mới nghĩ ra. Đừng nên áp đặt sự đánh giá theo con mắt người lớn, sẽ giết chết tâm hồn ngây thơ trong sáng đó. Thông qua việc lắng nghe các con, cha mẹ cũng sẽ giúp con tăng khả năng diễn đạt, sử dụng ngôn ngữ nhuần nhuyễn hơn.
Định hướng tư duy
Các bậc cha mẹ không nên dừng lại ở mức quan tâm, khích lệ trẻ mà còn cần hướng dẫn, phụ đạo cho trẻ, giúp trẻ thể hiện chính xác hơn những gì trẻ quan sát thấy trong bức tranh của mình. Làm như vậy có tác dụng thúc đẩy óc sáng tạo và trí tưởng tượng của trẻ.
Nếu cần thiết, hãy cho trẻ học tại các lớp năng khiếu để trẻ được tiếp xúc với những người bạn chung sở thích, được thầy cô chỉ dẫn những bước cơ bản. Từ đó trẻ sẽ phần nào nhìn nhận khả năng, bổ sung kiến thức và hoàn thiện kỹ năng vẽ.
Kết: Đừng vội mắng mỏ, nổi nóng khi thấy những hình vẽ trên tường nhà hay màu mè dây đầy trên quần áo trẻ; cũng đừng nên vì trẻ không vẽ giống mình mong muốn mà bỏ mặc hoặc thậm chí là cấm đoán, không cho trẻ vẽ. Những điều này có thể sẽ khiến trẻ trở nên khép mình hơn. Khi trẻ yêu thích, đam mê hội họa, cha mẹ nên xuất phát từ sự quan tâm của mình mà động viên khích lệ. Con có thể không trở thành họa sĩ, nhưng sẽ có bước đệm tốt để phát triển tư duy sáng tạo.