Những người cha, người mẹ không thể căn cứ vào quan sát, nhìn nhận của người lớn để đánh giá bức tranh của trẻ là hay hay là dở. Điều quan trọng là bạn phải đặt mình vào vị trí của trẻ, quan sát, tư duy theo cách của trẻ thì mới hiểu được tranh của trẻ muốn nói gì.
Đại đa số các phụ huynh có con em trong lứa tuổi trẻ em đều mong muốn con mình tham gia thêm ít nhất 1 lớp học năng khiếu ở ngoài. Có thể là hội họa, có thể là võ thuật, có thể là đàn ca, múa hát,… nhằm tăng cường kiến thức, vốn hiểu biết và sự thông minh với trẻ. Dĩ nhiên, điều ấy còn tùy thuộc vào năng khiếu bẩm sinh và sự yêu thích đam mê của trẻ với môn học ấy. Lợi ích của hội họa với trẻ em, nhất là trẻ em đang trong độ tuổi nhận thức và phát triển (6-16 tuổi) là rất quan trọng. Theo nhiều chuyên gia đánh giá các bậc cha mẹ nên khuyến khích trẻ học vẽ càng sớm càng tốt vì môn học này giúp trẻ nâng cao khả năng sáng tạo quan sát, phát triển trí não giúp trẻ thông minh hơn, rèn luyện trí nhớ. Những bức tranh mà trẻ vẽ ra không phải là không có ý tưởng mà nó chính là cách trẻ lấy từ trong trí nhớ, trí tưởng tượng của mình để vẽ ra những gì mà trẻ nhìn thấy hoặc gặp trong ngày. Thế giới quan của trẻ em luôn khác với cách nhìn nhận của người lớn thế nên trong tranh của trẻ thường có những chi tiết mà người lớn bỏ qua và không để ý.
Ngay từ nhỏ, nếu trẻ đã có được sự định hướng và chỉ bảo tốt về hội họa thẩm mỹ thì lớn lên ắt hẳn trẻ sẽ có được cái nhìn nhân văn, tích cực và quan trọng hơn là đầy tính sáng tạo, góp một phần vào công cuộc xây dựng đất nước, nếu không muốn nói là sự nâng tầm nhận thức thẩm mỹ mỹ thuật đối với một tầng lớp, một thế hệ người Việt Nam – quả là một lợi ích rất to lớn !
Có quan sát một lớp học dành cho trẻ như vậy mới thấy được sự hồn nhiên, ngây thơ, trong sáng của các em được bộc lộ một cách tự nhiên và thoải mái nhất, các em được thỏa sức sáng tạo về một đề tài mà hôm đó giáo viên ngẫu nhiên lựa chọn hoặc cũng có thể là buổi vẽ tự do. Những ánh mắt sáng ngời tập trung quan sát, tập trung vẽ của các bé. Có thể trong số các em, khi lớn lên có người vì đam mê hồi nhỏ mà trở thành họa sĩ, nhà điêu khắc hoặc là không. Đó là chuyện của thì tương lai. Nhưng tin chắc chắn một điều rằng: Nếu được đào tạo bài bản và có trách nhiệm các em sẽ là những “họa sĩ” vẽ nên bức tranh “Việt Nam” tươi sáng hơn, to đẹp hơn.