VẼ VÀ TÔ MÀU: CHÌA KHÓA GIÚP TRẺ TỰ KHÁM PHÁ CUỘC SỐNG

Vẽ là cách thức phong phú nhất để trẻ có thể tự do bước vào khám phá thế giới muôn màu từ vạn vật xung quanh. Bé sẽ tha hồ thể hiện ước mơ, suy nghĩ và cả cách tạo nên những điều không thể trong cuộc sống thông qua ngôn ngữ của sắc màu, hình khối chỉ bằng những nét cọ. Dựa trên nhiều kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học và các nhà tâm lý đều cho khẳng định rằng trẻ nhỏ dưới 18 tháng tuổi đã có khả năng dùng những hình ảnh như một biểu tượng để chuyển tải suy nghĩ, cảm xúc của bản thân. Họ khuyên các bà mẹ rằng một khi trẻ đã biết đứng, hãy mua cho chúng những giá vẽ nhỏ để chúng được tự do thể hiện khả năng của mình.
Ngay từ khi còn ở lứa tuổi mầm non, các bé đã bắt đầu được làm quen với những chiếc bút lông, bút màu để vẽ vời những gì mình nghĩ cho dù bước đầu đó chỉ là những nguệch ngoạc sơ khởi. Việc làm này có thể giúp trẻ:
– Dần thành thạo với kỹ năng điều khiển vận động của đôi tay theo ý muốn.
– Phát triển tư duy logic trong quá trình phân định hình ảnh nào được thể hiện trước và hình ảnh nào xuất hiện sau.
– Phát triển tư duy trừu tượng khi trẻ buộc phải hình dung lại những gì đã nhìn thấy đã mường tượng trong đầu để thể hiện ra bên ngoài thông qua đường nét và màu sắc.
– Hình thành kỹ năng quan sát chi tiết và lấy tâm điểm cho toàn thể cấu trúc đã quan sát được
– Chuẩn bị cho kỹ năng cầm và điều khiển bút viết về sau.
– Tăng khả năng thưởng thức và nhìn nhận cái đẹp trong cuộc sống.
– Ngoài ra, hoạt động đa dạng từ việc vẽ vời này còn giúp trẻ tăng thời gian vận động, thư giãn, giúp trẻ tập trung tốt hơn và khám phá ra sở thích của bản thân thay vì dán mắt vào các trò chơi điện tử hay xem ti vi hàng tiếng.
♦ Giúp trẻ “vận động” với vẽ
Nếu bạn nghĩ đợi đến lúc trẻ biết đứng mới cho trẻ vẽ thật quá muộn, hãy bắt đầu ngay khi bé có thể tự cầm chắc một đồ vật trong tay và sẵn sàng để điều khiển nó. Đó có thể là khi trẻ tròn 6 tháng tuổi chẳng hạn.
Bé càng nhỏ bạn cần phải chuẩn bị cho bé những dụng cụ vẽ càng to. Cụ thể, bút vẽ thật lớn, bút sáp thật lớn và khung giấy vẽ thật lớn. Tất nhiên, độ lớn này cũng phải vừa với tầm nắm của bé.
Bạn cũng có thể để bé tự do nghịch ngợm với màu bằng cách hòa màu nước an toàn vào một chiếc dĩa và để trẻ thỏa sức thể hiện trong một góc riêng. Bạn sẽ thấy gương mặt bé toát lên sự thích thú khi khám phá ra những chuyển động của mình đã để lại dấu ấn như bàn tay, bàn chân…
Hãy chỉ cho bé biết màu sắc bé đang sử dụng là màu gì và liên tục nhắc bé về các màu này để trẻ sớm nhận biết được sự khác biệt giữa các màu.
Cho trẻ in một vài họa tiết như rau củ, hoa quả, thậm chí cả những bàn tay, bàn chân để trẻ đước khám phá thêm về thế giới của màu sắc và hội họa.
♦ Giúp bé tô màu
Nếu như việc bắt đầu với vẽ có thể tự do theo mọi hình thức thì tô màu lại đòi buộc những kỹ năng phức tạp hơn và cả những quy tắc nhất định.
Thông thường, hoạt động này chỉ nên bắt đầu khi bé đã biết phân biệt màu sắc và nhận định được một vài yếu tố mặc định. Chẳng hạn với da người, bé cần tô màu gì, với lông của con cún bé cần chọn màu nào, chiếc lá mang màu đỏ hay xanh… Điều này đòi hỏi bé phải vận dụng những dữ liệu thu thập được từ việc quan sát vạn vật trong cuộc sống và tư duy để sử dụng chúng vào tranh. Đó là phương thức để trẻ học được cách cảm thụ về cái đẹp trong tự nhiên để làm nền tảng cho những sáng tạo về sau.
Để tô màu, bé cần có khả năng cầm bút thành thạo, khéo léo điều khiển bút đi theo những đường cong và dừng lại đúng lúc. Những quy tắc trong tô màu cũng cần được tuân thủ như tô từ trái sang, từ trên xuống…
Trước khi để bé tô màu một hình ảnh nào đó, mẹ có thể hướng dẫn bé nhận định về hình ảnh. Ví dụ, đó là ô tô hay xe máy, là hoa hay lá, là quần hay áo… Sau khi biết được đối tượng cần tô màu là gì, hãy cùng bé chọn ra những màu cần tô.
Hãy giúp bé hiểu tô màu cần liền nét, không đứt đoạn, không tô đến đâu xoay giấy đến đấy, không tô chỗ thích và bỏ chỗ không thích, không chồng các nét màu lên nhau và chạy màu trong khung ảnh. Tốt nhất, bạn hãy để sẵn một giá vẽ và tập cho bé quen dần với việc sử dụng nó.
Nên tập từ nét đơn giản đến phức tạp. Chẳng hạn ban đầu cho bé tô những khối hình thẳng, vuông. Sau tiếp tục cho bé làm quen tô hình có đường tròn, cong, uốn lượn…
Mỗi bức tranh bé hoàn thành mẹ nên sắp xếp lại theo thứ tự có ghi chú ngày tháng và đóng thành tập. Như thế, khi bé nhìn lại có thể nhận thấy được sự tiến bộ của mình và lấy đó làm nguồn khích lệ để luôn cố gắng hoàn thiện các kỹ năng tốt hơn.
Sau khi hoàn thành các bức vẽ hãy để trẻ tự học cách thu xếp, dọn dẹp những gì bữa bãi để rèn cho trẻ tính tự lập và có trách nhiệm với việc mình làm.
♦ Giải pháp tăng cường khiếu thẩm mỹ ở trẻ nhỏ
Bố mẹ có thể treo những bức tranh nghệ thuật trong phòng trẻ để trẻ được mở tầm mắt đối với cách phối màu, tạo bố cục và xây dựng hình khối trong một khung ảnh. Giúp trẻ hiểu màu sắc nào cũng có vai trò của nó chứ không nhất thiết chỉ có những màu sặc sỡ mới là màu đẹp.
Thỉnh thoảng nên cho bé đến các buổi triển lãm tranh hoặc triễn lãm nghệ thuật để trẻ có cơ hội được chiêm ngưỡng nhiều tác phẩm nghệ thuật đa phong cách.
Chỉ cho bé về độ dày mỏng, sự thay đổi ánh sáng tác động đến màu sắc hoặc các hình khối và đường nét từ các vật dụng trong ngày theo từng thời điểm. Hãy thể hiện sự tôn trọng đối với mỗi tác phẩm nguyên bản của bé. Tránh tự ý chỉnh sửa, vẽ giúp hoặc tô màu giúp. Tuyệt đối không nên bình phẩm quá nhiều về tranh của trẻ bằng những lời khen quá mức hay lời chê bai vô tội vạ. Ngược lại, hãy luôn khuyến khích khi trẻ có một ý tưởng sáng tạo và hướng trẻ đến những điều chuẩn mực hơn thay vì để trẻ phải phụ thuộc quá nhiều vào những lời khen chê của bạn.

www.topartvn.com

Post by admin